Chương trình mục tiêu quốc gia tại Quảng Trị gặp khó khăn

2 tháng trước 32
Chú thích ảnhQuảng Trị tập trung đầu tư hạ tầng. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Tỉ lệ giải ngân vốn thấp

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2024, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia là 801 tỉ đồng, đạt 100% vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ là 731 tỉ đồng và vốn ngân sách địa phương là 70 tỉ đồng. Tổng vốn ngân sách Trung ương năm 2022 và 2023 chuyển nguồn sang thực hiện năm 2024 là hơn 346 tỉ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp. Tuy nhiên, đến tháng 8/2024, tổng vốn đã giải ngân của các chương trình là 239,418 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 20,9% kế hoạch vốn thực hiện trong năm 2024.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng kế hoạch vốn năm 2024 hơn 366,9 tỉ đồng, nhưng mới giải ngân được 79,038 tỷ đồng.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phân bố vốn năm 2024 là hơn 195 tỉ đồng, nhưng mới chỉ giải ngân được gần 58 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được bố trí vốn 239 tỉ đồng cũng mới giải ngân được 43,7 tỷ đồng.

Theo cam kết của các đơn vị, đến ngày 31/12/2024, nguồn vốn sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có thể giải ngân khoảng 248 tỉ đồng trên tổng kế hoạch vốn sự nghiệp là 638 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 38,9%; phần kinh phí còn lại không giải ngân hết khoảng 390 tỉ đồng.

Đánh giá, tiến độ giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh hiện chậm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, địa phương phải xác định việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, phát huy vai trò nòng cốt của hệ thống chính trị cơ sở và vai trò chủ thể của người dân. Do đó, thời gian tới yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và chủ tịch UBND các huyện thị nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đã được giao.

Kiến nghị "gỡ khó" cho địa phương

Về nguyên nhân khiến việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt thấp, theo lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị là do bất cập, vướng mắc từ các cơ chế chính sách. Trong khi đó, các đơn vị, địa phương còn chậm trễ trong công tác chuẩn bị đầu tư ảnh hưởng đến việc phân kế hoạch vốn được giao năm 2024.

Trước những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương liên quan nghiên cứu, hướng dẫn và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư Dự án 1 (Hỗ trợ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo) tại các xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2025; trường hợp các xã nói trên không tiếp tục được đầu tư, đề nghị Trung ương thống nhất cho phép tỉnh Quảng Trị được chuyển nguồn đầu tư tại huyện nghèo Đakrông. Đồng thời, kiến nghị tăng mức hỗ trợ phát triển tại vùng khó khăn từ 80% lên thành 85%; vùng còn lại từ 60% lên thành 75%; các nội dung còn lại của dự án ngân sách nhà nước hỗ trợ 100%.

Tỉnh đề nghị Trung ương điều chỉnh, bổ sung đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập; người có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi (người lao động không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) để các địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ ngành có liên quan xem xét trường hợp 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, Vĩnh Ô (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025) vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có được tiếp tục thực hiện các nội dung hỗ trợ trong Chương trình.

Hiện, nhiều công trình hạ tầng kinh tế xã hội tại các địa phương tỉnh Quảng Trị đã được đầu tư lâu năm, kèm theo đó là thời tiết mưa, bão, lũ lụt nên nhiều công trình đã xuống cấp nhưng không thể bố trí vốn để thực hiện hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng các công trình, UBND tỉnh Quảng Trị kiến nghị với các Bộ, ngành trung ương xem xét: Đề xuất Bộ Tài chính bổ sung nguồn vốn và hướng dẫn nội dung duy tu bảo dưỡng cho các công trình sau đầu tư thực hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nguồn bài viết