Bức thư được giải nhất thi viết thư UPU quá… già: ‘Người lớn cằn cỗi không viết được thế đâu’

1 năm trước 160
 ‘Người lớn cằn cỗi không viết được thế đâu’ - Ảnh 1.

Nguyễn Bình Nguyên ngoài đời là một em khá hồn nhiên, thích đọc văn chương và cũng hay trăn trở - Ảnh: NVCC

Trong bức thư gửi danh cầm Đặng Thái Sơn để thỉnh cầu nghệ sĩ lên tiếng chữa lành vết thương của Trái đất, Bình Nguyên hóa thân thành ngọn gió trò chuyện với người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn, một người Việt vươn ra toàn cầu.

Lá thư gây ngạc nhiên cho cộng đồng bởi những câu chuyện thời sự về hậu họa của biến đổi khí hậu, về những trăn trở trước những lựa chọn đánh đổi môi trường của con người để phục vụ cho phát triển.

Người đọc được thấy ở đó một chú bé già dặn chiêm nghiệm chuyện "Một con mèo chết gục trước cửa ngôi nhà, mươi phút sau, nó được hất gọn sang cửa nhà đối diện. Có một ranh giới con người giữ sạch sẽ riêng mình".

Thấy một cậu bé thổn thức trước câu chuyện từng gây ám ảnh xã hội trong cơn lũ lịch sử miền Trung năm trước khi cậu nhắc chuyện người đàn ông quỳ lạy dòng nước lũ trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời.

Và một cậu bé hoang mang trước việc dòng sông phía thượng nguồn đắp đập làm thủy điện khiến dưới hạ lưu tập quán của một dân tộc bị tước đi, hoặc cảnh quan của một vùng bị biến đổi…

Đọc bức thư, nhiều người lớn đã không dám tin đây là thư của một cậu học trò lớp 9 có gương mặt rất ngây thơ và nét chữ tròn trịa thơ dại.

Càng ngạc nhiên hơn khi mẹ bé cho biết Bình Nguyên dường như hồn nhiên, tâm hồn "non dại" hơn các bạn cùng trang lứa, bởi trong khi các bạn đã biết để ý tới áo quần và bạn khác giới, đã viết những câu chuyện về tình yêu học trò thì Bình Nguyên vẫn tha thẩn viết về gà vịt, những cơn gió…

Cuộc thi viết thư UPU năm trước, Bình Nguyên vào vai một chú gà trong trại gà của một quán lẩu viết thư cho bạn mình đã bị giết thịt. Bức thư được các cô giáo đánh giá là thú vị nhưng không được giải. Sau đó Nguyên đã viết lại thành truyện ngắn, đăng trên báo Thiếu Niên Tiền Phong.

Lần này, Nguyên vào vai một cơn gió đến bên cửa sổ căn phòng nghệ sĩ Đặng Thái Sơn vừa trở về từ một buổi biểu diễn để tâm tình cùng ông về những vết thương của hành tinh và của con người vì biến đổi khí hậu.

 ‘Người lớn cằn cỗi không viết được thế đâu’ - Ảnh 2.

Nguyễn Bình Nguyên (thứ 2 từ trái sang) và mẹ (bìa phải) chụp ảnh cùng nữ sinh giành giải nhì và mẹ của cô bé. Trùng hợp, cả hai bà mẹ của hai em được giải cao nhất đều là các cô giáo dạy văn - Ảnh: NVCC

Ý tưởng viết thư cho Đặng Thái Sơn đã đến với Bình Nguyên thật tình cờ. Trước đó em đã viết một bức thư dự thi khác, gửi tới một đạo diễn.

Nhưng sau khi cùng cả nhà ngồi xem một chương trình trao giải trang trọng có nghệ sĩ Đặng Thái Sơn biểu diễn, thấy sức hút đặc biệt của ông và tiếng đàn của ông, Nguyên đã biết mình phải viết thư cho người này.

Trước đó, Nguyên đã chuẩn bị cho mình nhiều kiến thức, thông tin, quan sát thực tế về biến đổi khí hậu.

Chuyện con mèo chết trước cửa nhà này một lát sau được hất ngay sang cửa nhà hàng xóm là chuyện gần nhà họ hàng mà Nguyên được chứng kiến và trăn trở.

Chuyện người đàn ông quỳ lạy trước dòng nước lũ xin trả lại cho mình người vợ và đứa con chưa kịp chào đời chính là câu chuyện thời sự trên báo chí đã khiến cả gia đình Nguyên chấn động, ám ảnh…

Những câu chuyện ấy đều nảy ra từ chính những trải nghiệm của Nguyên.

Tất nhiên, các cô giáo, trong đó có mẹ Nguyên (cũng là giáo viên dạy văn của Nguyên ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) - cô Nguyễn Thị Huyền Hậu đã góp ý cho Nguyên và các bạn mình để chỉnh sửa ý tưởng ban đầu nếu chưa ổn, hay gợi ý các con có thể thay đổi từ ngữ nếu chưa hay.

Nhưng mẹ Nguyên khẳng định cái cốt lõi, từ ý tưởng, cảm xúc, câu từ đều phải là của các em.

Với kinh nghiệm của một cô giáo dạy văn giỏi chuyên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi và từng là một học sinh chuyên văn, mẹ của Bình Nguyên khẳng định khi trẻ con thực sự say mê, quan tâm đến chủ đề gì đó thì cảm xúc sẽ cuộn chảy dồi dào. Còn khả năng lập luận, diễn thuyết của trẻ em ngày nay thì rất đáng kinh ngạc.

 ‘Người lớn cằn cỗi không viết được thế đâu’ - Ảnh 3.

Nguyễn Bình Nguyên nhận giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU - Ảnh: NVCC

Nhưng nói về con trai mình, cô Huyền Hậu cũng khẳng định bài thi được giải cao là do em may mắn, bằng sự chân thành của mình đã chạm được vào cảm xúc của mọi người.

Đạt thành tích cao bất ngờ nhưng mẹ Nguyên cho rằng con mình không quá đặc biệt, chỉ là người chăm quan sát, thích đọc văn chương và có khả năng diễn đạt dễ dàng trên trang viết, lại được mẹ chỉ cho cách học viết qua những bài diễn thuyết xuất sắc của những nghệ sĩ, chính khách nổi tiếng.

Thêm nữa, Nguyên lại có thời gian trau chuốt bài thi, chứ đây không phải viết một mạch xong ngay.

Về những ý kiến hoài nghi bức thư của Nguyên quá… già dặn, không thể là của một em học sinh lớp 9 ngây thơ, cô Huyền Hậu bình thản nói: "Các cô giáo không đủ tài để làm được đâu. Những cái đầu già nua, cằn cỗi của người lớn không thể nghĩ ra những ý tưởng như thế".

Được biết trường THCS Nguyễn Tri Phương đã 7 năm liền có học sinh được giải trong cuộc thi viết thư UPU.

Video tâm tình rất hay của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với học sinh đoạt giải nhất viết thư UPUVideo tâm tình rất hay của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn với học sinh đoạt giải nhất viết thư UPU

TTO - Trong clip tâm tình với em Nguyễn Bình Nguyên - người đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU với lá thư gửi danh cầm Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ chúc mừng em và trả lời theo một cách đẹp đẽ: "Bác sẽ đàn vài nốt nhạc mộc mạc, trong sáng của Mozart".

Nguồn bài viết