Bảo đảm an toàn tuyệt đối khi rà phá bom mìn và cất bốc hài cốt liệt sĩ

3 năm trước 351
Chú thích ảnhĐại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: Dự kiến trong quý III/2021, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang tổ chức hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn và hỗ trợ nạn nhân bom mìn.

Sau nhiều năm hòa bình lập lại, nhưng hiện nay khu vực biên giới phía Bắc vẫn còn chịu ảnh hưởng rất nặng nề của mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh. Đây là một trong những lo lắng của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2019, Bộ Quốc phòng đã đề nghị với Chính phủ xem xét cấp kinh phí để rà phá mìn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.  

Cuộc chiến tranh biên giới xảy ra trên địa bàn Hà Giang những năm 1979 - 1983 rất ác liệt. Đã có hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh, nhưng theo đánh giá, khảo sát mới tìm kiếm, quy tập được hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ. Như vậy còn khoảng 2.000 hài cốt nữa chưa được tìm kiếm, quy tập được. Số hài cốt liệt sĩ này đang nằm rải rác ở những khu vực bị ô nhiễm mìn rất nặng.

"Khó khăn nhất khi triển khai thực hiện dự án rà phá mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Hà Giang không giống như những nơi khác, bởi nơi đây địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, cá biệt có những nơi vách núi treo leo. Bên cạnh đó, lực lượng quân đội vừa rà phá mìn, vật nổ vừa phải kết hợp tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, cho nên lực lượng công binh phải thực hiện hết sức thận trọng. Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội, người dân khi thực hiên rà phá mìn, vật nổ và cất bốc hài cốt liệt sĩ, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn”, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Chú thích ảnhLực lượng chức năng tiến hành tháo kíp nổ, vận chuyển quả bom đến vị trí hủy nổ. Ảnh: TTXVN.

Bên cạnh đó, nguồn lực của chúng ta cũng còn hạn chế, chủ yếu là nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế. Cũng theo đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, trên địa bàn Hà Giang hiện còn rất nhiều vùng bị ô nhiễm mìn, vật nổ nhưng hiện tại lực lượng quân đội mới đang triển khai dự án tại Vị Xuyên với công tác rà phá mìn, vật nổ, đồng thời cất bốc hài cốt liệt sĩ. Dự kiến trong dự án này, lực lượng chức năng phấn đấu tìm kiếm và quy tập khoảng 600 hài cốt liệt sĩ ở các điểm cao Vị Xuyên. Đây là một trong những việc trọng tâm quan trọng nhất. Lực lượng thực hiện chủ yếu là quân đội Quân khu II và một số đơn vị phối hợp với Quân khu II.

 “Toàn bộ dự án này quân đội thực hiện theo cơ chế nhiệm vụ quốc phòng. Vấn đề đặt ra bây giờ, đó là khi cất bốc được các hài cốt liệt sĩ phải phân tích ADN để xác định danh tính người hy sinh. Đây là những việc sẽ làm tiếp theo”, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm. 

Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các quân khu, đặc biệt là Quân khu I, Quân khu II phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc sát sao hoạt động trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ mọi phương diện vật chất, điều kiện sinh hoạt để thực hiện thành công dự án này.  

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025, trước mắt là năm 2021 chủ trương của Bộ Quốc phòng là tiếp tục đầu tư nguồn lực để rà phá mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh cũng như tìm kiếm cất bốc hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại Hà Giang, tập trung ở các huyện như Yên Minh, Xín Mần, Vị Xuyên. Đây là những địa điểm diễn ra các trận đánh ác liệt khi chiến tranh biên giới xảy ra. Tìm kiếm nguồn lực tài trợ của các tổ chức quốc tế để họ cùng tham gia thực hiện công tác rà phá bom mìn, vật nổ; trong đó trọng trách lớn nhất là Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam. 

Nguồn bài viết