Bạn đọc Tuổi Trẻ gửi lời tâm huyết đến người đứng đầu ngành y tế

2 năm trước 206
Bạn đọc Tuổi Trẻ gửi lời tâm huyết đến người đứng đầu ngành y tế - Ảnh 1.

Y bác sĩ Bệnh viện Nhân Dân 115 TP.HCM cấp cứu bệnh nhân - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ngành y tế đang đối mặt quá nhiều khó khăn. Chưa kịp "tái tạo năng lượng" sau cao điểm dịch bệnh lại gặp ngay quá nhiều cái khó theo nhau tới. Từ chuyện cán bộ y tế bệnh viện công quá tải nên muốn nghỉ việc đến chuyện thiếu thuốc điều trị cùng nhiều vấn đề "đau đầu" xung quanh chuyện máy móc, thiết bị, vật tư y tế.

Ai sai đã và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những "chiến sĩ áo trắng" đang ở lại nặng trách nhiệm hơn, áp lực hơn. Khi ngành y tế và y bác sĩ mệt, ai sẽ chăm sóc cho họ?

Ngay lúc này đây, thiển ý của tôi là cần có chính sách đột phá về chế độ chính sách dành cho y bác sĩ, ít thì cũng như một sự động viên, nhiều hơn thì như một phần thưởng y bác sĩ xứng đáng được nhận. Chính sách đãi ngộ và khuyến khích cho lực lượng y tế chưa bao giờ cần thay đổi cấp bách như bây giờ, nhất là sau dịch nhiều vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được bàn tay y tế chăm lo nhiều hơn trước nữa.

Tháo gỡ bên trong và gỡ khó từ bên ngoài. Trong những cái vướng mắc khó khăn của ngành y thời gian qua, có thể thấy có nhiều vấn đề vượt ra ngoài chuyên môn ngành y. Chẳng hạn như chuyện đấu thầu, trang thiết bị vật tư ở bệnh viện, cách làm nào tạo thuận lợi cho công tác quản lý ở bệnh viện và phục vụ lợi ích cho bệnh nhân nên được ưu tiên thực hiện và nhân rộng.

Câu chuyện nhiều nơi thiếu thuốc thời gian qua mong được thay bằng những giải pháp tháo gỡ nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Cách nào đầu tư trang thiết bị, vật tư tốt nhất với giá tiết kiệm nhất cần được vận dụng nhanh. Nhân dân phấn khởi khi biết tin về những đổi mới sắp tới của ngành y và đội ngũ y bác sĩ cũng nhẹ gánh lo để họ tập trung sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tôi cũng được hiểu những khó khăn trước mặt hôm nay của ngành y có thể có nguyên nhân từ các vấn đề nhiều năm trước và khó có thể giải quyết nhanh chóng. Nhưng chúng tôi thiết tha mong mỏi được sớm thấy những quyết sách mới cho ngành y trong giai đoạn đặc biệt và khó khăn này.

Và mọi điều nói cũng không hết, xin gửi niềm tin vào Quyền bộ trưởng Đào Hồng Lan cùng đội ngũ y bác sĩ - những người đang và sẽ lướt qua con sóng trước mắt ngành y.

Giảm áp lực cho bệnh viện công

* Tôi luôn mong muốn sẽ có một ngày được ý kiến với một bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy hoạch và xây dựng hệ thống bệnh viện tư nhân song hành, hỗ trợ, chia sẻ với hệ thống bệnh viện công.

Tôi ở TP.HCM từ bé đến nay, mấy chục năm luôn cảm thấy buồn khi thấy cảnh các bệnh viện công luôn quá tải, bệnh nhân phải nằm hành lang... Có lẽ hệ thống bệnh viện công các tỉnh còn hạn chế nên người dân khắp các tỉnh thành dồn về các bệnh viện công tại TP.HCM.

Bộ trưởng Bộ Y tế cần có kế hoạch về thành lập tổ tiếp nhận ý kiến góp ý nhằm mục đích phát triển hệ thống bệnh viện tư tại Việt Nam, như các nước đã làm và phát triển tốt lâu nay, như một giải pháp đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, hạn chế được tình trạng quá tải tại các bệnh viện công.

Ngành y tế cần có đủ diện tích đất để xây thêm bệnh viện công và tư khắp các vùng miền trên cả nước, tránh để người dân đổ dồn về thành phố lớn.

Bạn đọc Việt Hà

* Cần đẩy mạnh phát triển công nghệ, công nghiệp dược... từ việc giảm lệ thuộc thuốc nhập khẩu và bình ổn giá thuốc trong nước. Ưu tiên trang thiết bị y tế trong nước và phải đặt tiêu chuẩn vượt trội để cạnh tranh xuất khẩu.

Cần có nhiều mức đóng bảo hiểm y tế, người đóng mức cao sẽ được hưởng dịch vụ tốt và mức thanh toán cao hơn. Việc này cũng vì lợi ích chung, nhiều người không bệnh giúp người bệnh. Đồng thời, cần lập quỹ bảo trợ bệnh nhân tại các bệnh viện để giúp bệnh nhân gặp trắc trở, khó khăn về bệnh tật và viện phí...

Bạn đọc Thanh Tiên

Chợ Rẫy nêu 4 kiến nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Chợ Rẫy nêu 4 kiến nghị, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan 'đặt hàng' bài toán gì?

TTO - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đặt bài toán cho giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức làm sao bệnh viện vừa tính đúng, tính đủ, vừa đảm bảo được cơ cấu theo yêu cầu nhưng chi phí phải chi thêm của người bệnh ở mức tối thiểu.

Nguồn bài viết