Bí thư Thành uỷ Hà Nội: Hoạt động của HĐND đã bám sát với thực tiễn phát triển Thủ đô

2 ngày trước 6

Tham dự phiên khai mạc có Chủ tịch Quốc Trần Thanh Mẫn; đại diện Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên khai mạc, bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đánh giá, hoạt động của HĐND TP Hà Nội trong năm 2024 vừa qua có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, quyết liệt, thực chất, hiệu quả, sát tình hình thực tiễn của Thủ đô.

Chú thích ảnhBí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND TP Hà Nội.

Cụ thể, HĐND TP tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, hoạt động của HĐND TP và các cấp ngày càng bài bản, hiệu lực, hiệu quả hơn; kịp thời tổ chức các kỳ họp thường lệ, chuyên đề để xem xét, quyết nghị các vấn đề quan trọng, cấp thiết; nắm bắt, lựa chọn đúng và trúng các nội dung, những vấn đề quan trọng, cấp thiết, sát yêu cầu thực tiễn và cử tri, nhân dân quan tâm để tổ chức giám sát nhằm kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập và từ đó đề xuất thúc đẩy đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực. 

Hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND TP Hà Nội trong năm qua được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả; được cử tri, nhân dân đánh giá cao, nhất là trong việc tham gia xây dựng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô và 2 Quy hoạch Thủ đô để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định, năm 2024, thành phố cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2024. Kinh tế duy trì mức tăng trưởng (dự kiến đạt trên 6,5%), cao hơn so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người ước đạt 162,2 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Công tác quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị chuyển biến tích cực; tiến độ lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng được đẩy nhanh; hạ tầng giao thông đô thị được quan tâm xây dựng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích được đặc biệt quan tâm đầu tư. Giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn quốc về chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện, nâng lên.

Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời quyết liệt các giải pháp phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả do cơn bão số 2, số 3 gây ra vừa qua bảo đảm an toàn cho người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nhân dân Thủ đô khôi phục sản xuất đối với cây trồng, vật nuôi bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Năm qua, Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ các di tích văn hoá; triển khai quyết liệt Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô và các dự án trọng điểm; thực hiện Đề án về phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan, các cấp chính quyền thuộc TP; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; chính trị, xã hội duy trì ổn định; quốc phòng- an ninh được đảm bảo; đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường.

Tại kỳ họp này, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các vị đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, phát huy mọi nguồn lực; khắc phục những hạn chế, yếu kém, đề xuất các giải pháp. Trong đó cần đặc biệt quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng về Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên phát triển, được thể hiện qua các bài viết, bài phát biểu, nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyên đề Kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; xây dựng hệ thống chính trị “tinh- gọn- mạnh- hiệu năng- hiệu lực- hiệu quả”, về chuyển đổi số, về phòng chống lãng phí.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho TP để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; Tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo kết luận của Trung ương về kinh tế - xã hội năm 2025, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và các văn bản liên quan; đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2025.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương; tăng cường phân cấp, uỷ quyền theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát. Tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện, đưa số hóa vào trong sản xuất, kinh doanh, hướng tới chuyển đổi số trong toàn xã hội.

Nguồn bài viết