Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phân tích tác động của nhiệt độ Trái Đất ấm lên đối với sức khỏe con người và kinh tế. Kết quả cho thấy số ca tử vong liên quan tới nắng nóng đã tăng 68% trong giai đoạn từ năm 2017-2021 so với giai đoạn từ năm 2000-2004. Nhiệt độ toàn cầu tăng cao hơn cũng trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn đến sản lượng mùa màng. Số người rơi vào cảnh thiếu lương thực trong năm 2020 ước tính đã tăng lên 98 triệu người ở 103 quốc gia so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 1981 đến 2010.
Theo nghiên cứu, nhiệt độ Trái Đất ấm hơn cũng tạo điều kiện môi trường thuận lợi hơn cho sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, nguy cơ nhiễm bệnh sốt xuất huyết đã tăng 12% trong giai đoạn từ năm 2012-2021 so với giai đoạn từ năm 1951-1960. Sự bùng phát đồng thời dịch sốt xuất huyết cùng với dịch COVID-19 đã làm gia tăng áp lực lên các hệ thống y tế, gây chẩn đoán sai, và những khó khăn trong kiểm soát cả hai dịch bệnh này ở nhiều khu vực ở Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết trong năm 2020 có 3,3 triệu ca tử vong do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5, trong đó có 1,2 triệu ca là có liên quan trực tiếp tới ô nhiễm do đốt nhiên liệu hóa thạch. Các nhà nghiên cứu kêu gọi các nước trên thế giới nhanh chóng chuyển sang sử dụng năng lượng sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ sức khỏe của người dân.
Nghiên cứu được công bố trước thềm diễn ra Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) từ ngày 6 đến 18/11 tại Ai Cập.